Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Hải phòng - Âm nhạc đường phố

Khoảng giữa năm 2012, Trong một lần gặp gỡ mang tính chất cá nhân, có sự góp mặt của Mr. Nguyễn Văn Thành ( Bí thư Thành ủy ) và Mrs. Hoàng Mai ( Phó giám đốc Sở VH Hải phòng ) và nhiều VIP của t/p.  mình có được biết năm nay 2013 Thành phố sẽ có nhiều hoạt động Lễ hội, nhiều sự kiện Văn hóa lớn, mình cũng trao đổi và bày tỏ mong muốn thành phố HP có thêm được một diện mạo nghệ thuật trình diễn. Đó là Âm nhạc đường phố, có thể là Big Band, Flamenco, Classical, Rock và những loại hình nghệ thuật khác nữa, để cho đời sống tinh thần của mọi người thêm phong phú, Những nghệ sĩ có thêm cơ hội bày tỏ đam mê của mình trước công chúng, khán giả HP có cơ hội thưởng thức nghệ thuật miễn phí, thành phố cải thiện được hình ảnh của mình trong con mắt bạn bè, du khách. ...
Mr. Thành rất ủng hộ ý tưởng này và có nói sẽ lưu ý các cơ quan chức năng.
và những ngày đầu xuân Quý Tỵ này, Bên sở Văn Hóa đã mời ban nhạc của mình cộng tác cho một dự án thể nghiệm:
"Âm nhạc đường phố - Mang âm nhạc đến gần hơn với cộng đồng"
Xin cám ơn những người đã quan tâm , ủng hộ một hành trình làm đẹp cho t/p quê hương

Buổi trình diễn được thực hiện lúc 9h00 sáng thứ bảy, mùng 7 tết, 16.02.2013 tại nhà Kèn, vườn hoa Nguyễn Du. (ảnh chụp của bạn tôi , Họa sĩ Phạm Đức)







Sáng nay nhận được bài viết của nữ phóng viên Hồng Châm ( bút danh Thành Lê - Báo Hải phòng) gửi tặng. kèm theo một số tấm hình của NSNA Vũ Dũng chụp ban nhạc. Bài phóng sự hòan chỉnh đã đăng trên báo HP số ra hôm nay thứ Hai 18.02.2012. chia sẻ cùng mọi người nhé:

Biểu diễn nghệ thuật tại Nhà kèn vườn hoa Nguyễn Du
Để mùa xuân còn mãi

Một buổi sáng thứ Bảy mùa xuân, cả khu vực Nhà kèn tại vườn hoa Nguyễn Du bỗng tràn ngập trong không gian của âm nhạc. Công chúng tới mỗi lúc một đông, sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng ban đầu dần biến mất. Người người rộn ràng hòa mình vào những bản nhạc khi êm dịu, lúc hào hứng sôi động do các nghệ sĩ ban nhạc Giang Guitar trình diễn trong khuôn khổ các hoạt động biểu diễn nghệ thuật thử nghiệm tại Nhà kèn do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Mùa xuân, hoa và âm nhạc
Trong không gian mở rộng lớn của sân khấu ngoài trời tại Nhà kèn vườn hoa Nguyễn Du, các nghệ sĩ của ban nhạc Giang Guitar say sưa trình diễn các bản nhạc phục vụ công chúng. Tiếng đàn réo rắt tấu lên những nốt nhạc của bản nhạc đón mừng năm mới bất hủ của ban nhạc Abba “Happy new year”; các bản hòa tấu nổi tiếng như “Tico, Tico”, “Espana Cani”, “Hello”, “Wonderful Tonight” hay những bản rock sôi động “Red river rock”; “The Chicken”… Sự lan tỏa của âm nhạc lay động tâm hồn của tất cả mọi người. Những em nhỏ gương mặt hớn hở, chạy nhảy nô đùa, người lớn cũng nhún nhảy, mỉm cười, búng tay theo điệu nhạc. Những tay săn ảnh mải mê lia ống kính, nhoài người, tìm những góc ảnh thật ưng ý ghi lại khoảnh khắc trình diễn say mê của các nghệ sĩ và niềm hân hoan dâng đầy trong ánh mắt, nụ cười của công chúng.
Ngoài phần trình diễn của các nghệ sĩ đến từ ban nhạc Giang Guitar, chương trình còn có phần giao lưu, biểu diễn giữa ban nhạc với các nghệ sĩ, những công chúng yêu thích âm nhạc. Suốt hơn 2 giờ đồng hồ, cả khu vực vườn hoa Nguyễn Du ngập chìm trong tiếng nhạc. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Dũng, người từng sinh ra và gắn bó cả tuổi thơ với vườn hoa Nguyễn Du và nhà kèn hồ hởi cho biết: “Buổi biểu diễn âm nhạc tại Nhà kèn ngày hôm nay thật tuyệt vời. Đã lâu lắm rồi mới có một hoạt động nghệ thuật thú vị như vậy diễn ra tại đây. Những âm thanh vang rộn cả vườn hoa thu hút hàng trăm người tới thưởng thức đã làm sống lại một địa chỉ văn hóa của thành phố”. Nhà thơ Trịnh Hoài Giang lại bồi hồi, xúc động: “Chương trình biểu diễn âm nhạc tại Nhà kèn gợi nhắc tôi nhớ về buổi trình diễn thơ dịp đầu xuân của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng cách đây 41 năm (năm 1972) với sự tham gia của tất cả các nhà thơ Hải Phòng và cả những tên tuổi lớn như nhà văn Nguyên Hồng, nhà thơ Lê Đại Thanh, Nguyễn Viết Lãm… Tôi thấy, chương trình thực sự là hoạt động văn hóa ý nghĩa, sân chơi thú vị tạo không khí rộn ràng, phấn khởi dịp đầu xuân. Với chương trình này, người Hải Phòng đón xuân không chỉ có hoa lá, cỏ cây mà còn có cả âm nhạc và cả những sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc sắc”.
Lôi cuốn cả nghệ sĩ và công chúng
Theo ông Phạm Đức Quang, Trưởng phòng Quản lý nghiệp vụ văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), chương trình biểu diễn âm nhạc tại Nhà kèn vườn hoa Nguyễn Du nằm trong chuỗi các hoạt động đầu xuân của ngành Văn hóa thành phố. Với những hoạt động này, những người tổ chức mong muốn tạo ra sân chơi văn hóa tinh thần lành mạnh, đưa các loại hình nghệ thuật đến gần hơn với công chúng từ đó thúc đẩy, hình thành nếp sống văn hóa trong cộng đồng dân cư.
Với đặc thù một chương trình hoàn toàn mở, dù mới được tổ chức nhưng buổi trình diễn âm nhạc tại Nhà kèn thu hút hàng trăm người dân tới thưởng thức. Chị Trần Thị Huyền Thảo, số nhà 31 ngõ 145 chợ Hàng, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân rất thích chương trình này và mong muốn chương trình được duy trì, tổ chức thường xuyên, định kỳ để Nhà kèn trở thành điểm sinh hoạt văn hóa phục vụ nhu cầu giải trí của người dân thành phố. Còn nhạc sĩ Thy Giang, trưởng ban nhạc Giang Guitar cho biết, khi nhận được lời mời biểu diễn phục vụ công chúng tại Nhà kèn vườn hoa Nguyễn Du, anh và các thành viên trong ban nhạc đều rất vui mừng và sẵn lòng tham gia. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật ngoài trời như thế này không chỉ góp phần đưa các loại hình nghệ thuật đến gần hơn với công chúng mà còn tạo sân chơi để người nghệ sĩ được biểu diễn, thể hiện niềm đam mê của mình, giao lưu, gặp gỡ các đồng nghiệp. Trong khi đó, công chúng được thưởng thức nghệ thuật dễ dàng hơn, được sống trong môi trường nghệ thuật và đó cũng là cơ sở để ươm mầm, phát triển những tài năng nghệ thuật còn ẩn giấu. Và hơn hết, khi những hoạt động này được duy trì, tổ chức thường xuyên, ta sẽ cảm thấy thành phố mình có sức sống hơn, văn hóa hơn. Đó cũng là việc làm thiết thực, cần thiết trên con đường xây dựng, phát triển thành phố Cảng văn minh, hiện đại để mùa xuân mãi hiện diện cùng với con người và mảnh đất nơi đây./.
Thành Lê


Giang Guitar band ( photo NSNA Vũ Dũng)

Bản tin văn hóa trên Báo Hải phòng điện tử ngày 16.02.2013:
http://www.baohaiphong.com.vn/channel/4920/201302/Trinh-dien-am-nhac-tai-Nha-ken-vuon-hoa-Nguyen-du-2221394/

Một số tấm hình do bạn tôi - Họa sĩ Đỗ Tất Kim chụp: 






 Một tấm ảnh của bạn tôi - NSNA Kat Black chụp:

 

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Hải phòng đã có một Ban nhạc cổ điển

Từ lâu rồi tôi vẫn có tham vọng cùng với một số anh em xây dựng lại một nhóm nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển của thành phố Hải phòng, bao nhiêu trở ngại, khó khăn, nhưng rồi cũng đã vượt qua. Tuy nòng cốt vẫn là những nghệ sĩ đàn dây, nhưng cũng hy vọng sẽ có nhiều anh em khác tham dự...
Trân trọng giới thiệu Clip ra mắt của anh em ngày đầu năm mới 01-01-2013

HAIPHONG STRING ENSEMBLE


Nhạc thính phòng là cái gì thế?
Bạn hiền,
 Đêm hôm trước, tôi kể cho bạn nghe chuyện một bữa đi xem nhạc thính phòng... gần điếc lỗ nhĩ. Tôi chỉ kể chơi vui mà bạn hiền đã hỏi: "Thế... nhạc thính phòng là thế nào?" Tôi đã hẹn hôm nay sẽ tiếp tục bàn bạc chuyện ấy. Vậy thì bạn giúp tôi khui nút cái chai rượu đỏ này, rồi mình hãy nói lai rai chơi vui... Nào cụng ly một cái. Đợi tôi mồi điếu thuốc cái đã... Nhạc thính phòng là thế nào? Đề tài thật thú vị...

 Này nhé, theo chỗ tôi biết, nhạc thính phòng là nhạc do một nhóm ít người trình diễn, và nơi trình diễn là một thính đường cỡ nhỏ. Thuật ngữ "nhạc thính phòng" dịch từ "musique de chambre" (tiếng Pháp), hoặc "chamber music" (tiếng Anh), xuất phát từ "musica da camera" (tiếng La-tinh). Theo nghĩa gốc, nó là loại nhạc được biên soạn để trình diễn ở trong "phòng" (camera). Bạn càm ràm là tại sao nhạc lại trình diễn trong phòng, mà không trình diễn ngoài hí viện? Bạn hiền ơi, "phòng" đây là phòng tiếp khách. Ngày xưa, giới quý tộc thường mời khách về nhà để xem hoà nhạc. Nhiều bản tứ tấu đàn dây của Mozart, của Beethoven, đã được viết để phục vụ cho nhu cầu này đấy.
 Bởi nhạc được trình diễn trong "phòng", và diện tích của "phòng" có giới hạn, nên số lượng nhạc sĩ không thể đông đảo. Thông thường, nhạc thính phòng được trình diễn bởi những nhóm có từ hai nhạc sĩ (duet=song tấu) đến tám nhạc sĩ (octet=bát tấu), chứ không có nhiều người hơn nữa, và mỗi bè nhạc chỉ được tấu bởi một người; và vì nhóm hoà nhạc có ít người, nên nhạc thính phòng thường không cần có nhà chỉ huy dàn nhạc (conductor). Theo truyền thống, nhạc thính phòng được viết cho những nhóm nhạc cụ bộ dây hay bộ hơi, thường kết hợp với đàn piano, harpsichord, lute hay guitar; nhạc thính phòng cũng là những ca khúc cho đơn ca hay nhóm hợp ca rất ít người, và có hoặc không có nhạc đệm.
 Bạn hỏi tôi tại sao bây giờ nghe nói người ta trình diễn nhạc thính phòng ở Sydney Opera House? Trình diễn ở đó thì sao còn gọi là "phòng". Bạn hiền ơi, ngày xưa, một số quý tộc ở trong những lâu đài có phòng tiếp khách rất lớn, ngang với phòng hoà nhạc thính phòng ở Sydney Opera House bây giờ, chứa được một, hai trăm người. (Ở Sydney Opera House có nhiều phòng hoà nhạc, trong đó, phòng nhỏ nhất thường dành cho những buổi nhạc thính phòng). Một buổi hoà nhạc có một, hai trăm khách dự vẫn gọi là nhạc thính phòng vì, như đã nói ở trên, số lượng nhạc sĩ không quá tám người và, dù khán thình giả đông đến vài trăm người, phòng hoà nhạc vẫn im lặng như tờ, vì họ tập trung tinh thần để lắng nghe. Ở điểm này, tôi phải thán phục người nào đầu tiên dịch "musique de chambre" thành ra "nhạc thính phòng". Người ấy đã thêm chữ "thính", thật là đạt! "Thính" là lắng nghe. Đúng thế, tính chất căn bản của nhạc thính phòng là sự tinh tế trong từng chi tiết âm nhạc, đòi hỏi người nghe phải "thính". Nhạc thính phòng chú trọng đến từng biến chuyển rất nhỏ về âm sắc, về hoà âm, về giai điệu, và sự quân bình hoàn hảo về âm lượng giữa các bè nhạc. Ca khúc của nhạc thính phòng đòi hỏi ca sĩ phải diễn tả từng chữ, từng câu thật chính xác và đạt đến sự diễn tả tế nhị nhất về ý nghĩa văn chương và nhạc cảm của lời ca.
 Lần đầu tiên dự một buổi nhạc thính phòng ở Nhạc Viện Sydney, tôi được chứng kiến một chuyện nhớ đời. Này nhé, trong lúc ban tứ tấu đang diễn "String Quartet, Op. 3. Lyric Suite" của Alban Berg, một nhạc phẩm tinh tế tuyệt hảo, thì có một đứa trẻ Úc ngồi cùng hàng ghế với tôi đang len lén lột giấy một viên kẹo. Cậu lột rất chậm, vừa nín thở vừa lột. Miếng giấy kẹo kêu lắc cắc rất nhỏ. Mẹ cậu đưa một ngón tay lên môi, ra hiệu giữ im lặng. Cậu dừng lại. Nhưng rồi cơn thèm kẹo lại giục giã cậu, và cậu tiếp tục len lén lột giấy. Trong không khí âm nhạc đòi hỏi sự theo dõi cao độ, từng tiếng lắc cắc khe khẽ của miếng giấy gói kẹo vang lên rõ mồn một. Vài người ở hàng ghế trên khẽ nhúc nhích vai, ra vẻ khó chịu; và mẹ cậu lại đưa một ngón tay lên môi. Rồi bất chợt, có lẽ vì mất kiên nhẫn, cậu bé liều lĩnh gỡ miếng giấy kẹo thật nhanh và thảy viên kẹo vào mồm. Cậu tưởng đã thoát nạn, nhưng ngay giây phút đó, hàng loạt đầu người từ hàng ghế trên xoay lại nhìn cậu và liếc vào mặt mẹ cậu. Cái liếc im lặng xảy ra trong một phần tư giây đồng hồ, và tất cả những cái đầu ấy lại xoay trở về sân khấu; nhưng tôi bắt gặp một sự xấu hổ rõ rệt hiện ra trên nét mặt của mẹ cậu. Bà xấu hổ vì cái thông điệp thầm lặng: "Này, bà kia, không biết dạy con thì đừng vào đây..."
 Thế đấy. Và từ đó đến bây giờ, mỗi lần đi nghe nhạc thính phòng, tôi phải căn dặn thằng con trai tôi đủ điều: đừng mang theo kẹo bánh, đừng nhúc nhích gây tiếng động, đừng đứng dậy đi tiểu trong khi nhạc đang được trình tấu, đừng nói chuyện, đừng ho, đừng lật tờ chương trình, đừng... Có lần, thằng con trai của tôi phát biểu: "Đi nghe nhạc thính phòng của người Việt mình dễ chịu hơn. Con có thể làm bất cứ thứ gì con thích..."
 Vâng, đúng thế. Bạn thấy thằng con trai tôi nói không phải sao? Hôm đi dự buổi nhạc thính phòng "Dạ Khúc cho Tình Nhân", lúc Ý Lan đang nỗ lực dí môi vào cái microphone để hát sao cho át tiếng đàn điện, thì thằng con lên mười tuổi của tôi, cùng với đám bạn lau nhau của nó, vừa chạy ào ào dọc theo những hàng ghế, vừa cười la inh ỏi trong trò chơi cút bắt, mà không một khán giả nào bận tâm. Con nít thì chơi cút bắt, người lớn thì uống bia và gào vào mặt nhau để tán chuyện, ca sĩ thì quằn quại diễn tả với cái microphone, và ban nhạc thì ra sức đua nhau xem ai chơi nổi hơn ai. Bạn thấy không vui sao?
 Cái gì? Bạn nói gì? Bạn cho rằng người Việt Nam không có cái gọi là nhạc thính phòng hả? Lầm rồi bạn ơi! Có chứ. Bạn hỏi nhạc thính phòng của Việt Nam là cái gì à? Ôi, ông bạn hiền của tôi. Bây giờ đã quá khuya rồi, nếu mình cứ theo đuổi chuyện này, thì chắc là phải kéo dài đến sáng. Thôi, hẹn lần sau vậy nhé.
Ngọa Đàm
 vietnet.com.au