Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Hải phòng đã có một Ban nhạc cổ điển

Từ lâu rồi tôi vẫn có tham vọng cùng với một số anh em xây dựng lại một nhóm nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển của thành phố Hải phòng, bao nhiêu trở ngại, khó khăn, nhưng rồi cũng đã vượt qua. Tuy nòng cốt vẫn là những nghệ sĩ đàn dây, nhưng cũng hy vọng sẽ có nhiều anh em khác tham dự...
Trân trọng giới thiệu Clip ra mắt của anh em ngày đầu năm mới 01-01-2013

HAIPHONG STRING ENSEMBLE


Nhạc thính phòng là cái gì thế?
Bạn hiền,
 Đêm hôm trước, tôi kể cho bạn nghe chuyện một bữa đi xem nhạc thính phòng... gần điếc lỗ nhĩ. Tôi chỉ kể chơi vui mà bạn hiền đã hỏi: "Thế... nhạc thính phòng là thế nào?" Tôi đã hẹn hôm nay sẽ tiếp tục bàn bạc chuyện ấy. Vậy thì bạn giúp tôi khui nút cái chai rượu đỏ này, rồi mình hãy nói lai rai chơi vui... Nào cụng ly một cái. Đợi tôi mồi điếu thuốc cái đã... Nhạc thính phòng là thế nào? Đề tài thật thú vị...

 Này nhé, theo chỗ tôi biết, nhạc thính phòng là nhạc do một nhóm ít người trình diễn, và nơi trình diễn là một thính đường cỡ nhỏ. Thuật ngữ "nhạc thính phòng" dịch từ "musique de chambre" (tiếng Pháp), hoặc "chamber music" (tiếng Anh), xuất phát từ "musica da camera" (tiếng La-tinh). Theo nghĩa gốc, nó là loại nhạc được biên soạn để trình diễn ở trong "phòng" (camera). Bạn càm ràm là tại sao nhạc lại trình diễn trong phòng, mà không trình diễn ngoài hí viện? Bạn hiền ơi, "phòng" đây là phòng tiếp khách. Ngày xưa, giới quý tộc thường mời khách về nhà để xem hoà nhạc. Nhiều bản tứ tấu đàn dây của Mozart, của Beethoven, đã được viết để phục vụ cho nhu cầu này đấy.
 Bởi nhạc được trình diễn trong "phòng", và diện tích của "phòng" có giới hạn, nên số lượng nhạc sĩ không thể đông đảo. Thông thường, nhạc thính phòng được trình diễn bởi những nhóm có từ hai nhạc sĩ (duet=song tấu) đến tám nhạc sĩ (octet=bát tấu), chứ không có nhiều người hơn nữa, và mỗi bè nhạc chỉ được tấu bởi một người; và vì nhóm hoà nhạc có ít người, nên nhạc thính phòng thường không cần có nhà chỉ huy dàn nhạc (conductor). Theo truyền thống, nhạc thính phòng được viết cho những nhóm nhạc cụ bộ dây hay bộ hơi, thường kết hợp với đàn piano, harpsichord, lute hay guitar; nhạc thính phòng cũng là những ca khúc cho đơn ca hay nhóm hợp ca rất ít người, và có hoặc không có nhạc đệm.
 Bạn hỏi tôi tại sao bây giờ nghe nói người ta trình diễn nhạc thính phòng ở Sydney Opera House? Trình diễn ở đó thì sao còn gọi là "phòng". Bạn hiền ơi, ngày xưa, một số quý tộc ở trong những lâu đài có phòng tiếp khách rất lớn, ngang với phòng hoà nhạc thính phòng ở Sydney Opera House bây giờ, chứa được một, hai trăm người. (Ở Sydney Opera House có nhiều phòng hoà nhạc, trong đó, phòng nhỏ nhất thường dành cho những buổi nhạc thính phòng). Một buổi hoà nhạc có một, hai trăm khách dự vẫn gọi là nhạc thính phòng vì, như đã nói ở trên, số lượng nhạc sĩ không quá tám người và, dù khán thình giả đông đến vài trăm người, phòng hoà nhạc vẫn im lặng như tờ, vì họ tập trung tinh thần để lắng nghe. Ở điểm này, tôi phải thán phục người nào đầu tiên dịch "musique de chambre" thành ra "nhạc thính phòng". Người ấy đã thêm chữ "thính", thật là đạt! "Thính" là lắng nghe. Đúng thế, tính chất căn bản của nhạc thính phòng là sự tinh tế trong từng chi tiết âm nhạc, đòi hỏi người nghe phải "thính". Nhạc thính phòng chú trọng đến từng biến chuyển rất nhỏ về âm sắc, về hoà âm, về giai điệu, và sự quân bình hoàn hảo về âm lượng giữa các bè nhạc. Ca khúc của nhạc thính phòng đòi hỏi ca sĩ phải diễn tả từng chữ, từng câu thật chính xác và đạt đến sự diễn tả tế nhị nhất về ý nghĩa văn chương và nhạc cảm của lời ca.
 Lần đầu tiên dự một buổi nhạc thính phòng ở Nhạc Viện Sydney, tôi được chứng kiến một chuyện nhớ đời. Này nhé, trong lúc ban tứ tấu đang diễn "String Quartet, Op. 3. Lyric Suite" của Alban Berg, một nhạc phẩm tinh tế tuyệt hảo, thì có một đứa trẻ Úc ngồi cùng hàng ghế với tôi đang len lén lột giấy một viên kẹo. Cậu lột rất chậm, vừa nín thở vừa lột. Miếng giấy kẹo kêu lắc cắc rất nhỏ. Mẹ cậu đưa một ngón tay lên môi, ra hiệu giữ im lặng. Cậu dừng lại. Nhưng rồi cơn thèm kẹo lại giục giã cậu, và cậu tiếp tục len lén lột giấy. Trong không khí âm nhạc đòi hỏi sự theo dõi cao độ, từng tiếng lắc cắc khe khẽ của miếng giấy gói kẹo vang lên rõ mồn một. Vài người ở hàng ghế trên khẽ nhúc nhích vai, ra vẻ khó chịu; và mẹ cậu lại đưa một ngón tay lên môi. Rồi bất chợt, có lẽ vì mất kiên nhẫn, cậu bé liều lĩnh gỡ miếng giấy kẹo thật nhanh và thảy viên kẹo vào mồm. Cậu tưởng đã thoát nạn, nhưng ngay giây phút đó, hàng loạt đầu người từ hàng ghế trên xoay lại nhìn cậu và liếc vào mặt mẹ cậu. Cái liếc im lặng xảy ra trong một phần tư giây đồng hồ, và tất cả những cái đầu ấy lại xoay trở về sân khấu; nhưng tôi bắt gặp một sự xấu hổ rõ rệt hiện ra trên nét mặt của mẹ cậu. Bà xấu hổ vì cái thông điệp thầm lặng: "Này, bà kia, không biết dạy con thì đừng vào đây..."
 Thế đấy. Và từ đó đến bây giờ, mỗi lần đi nghe nhạc thính phòng, tôi phải căn dặn thằng con trai tôi đủ điều: đừng mang theo kẹo bánh, đừng nhúc nhích gây tiếng động, đừng đứng dậy đi tiểu trong khi nhạc đang được trình tấu, đừng nói chuyện, đừng ho, đừng lật tờ chương trình, đừng... Có lần, thằng con trai của tôi phát biểu: "Đi nghe nhạc thính phòng của người Việt mình dễ chịu hơn. Con có thể làm bất cứ thứ gì con thích..."
 Vâng, đúng thế. Bạn thấy thằng con trai tôi nói không phải sao? Hôm đi dự buổi nhạc thính phòng "Dạ Khúc cho Tình Nhân", lúc Ý Lan đang nỗ lực dí môi vào cái microphone để hát sao cho át tiếng đàn điện, thì thằng con lên mười tuổi của tôi, cùng với đám bạn lau nhau của nó, vừa chạy ào ào dọc theo những hàng ghế, vừa cười la inh ỏi trong trò chơi cút bắt, mà không một khán giả nào bận tâm. Con nít thì chơi cút bắt, người lớn thì uống bia và gào vào mặt nhau để tán chuyện, ca sĩ thì quằn quại diễn tả với cái microphone, và ban nhạc thì ra sức đua nhau xem ai chơi nổi hơn ai. Bạn thấy không vui sao?
 Cái gì? Bạn nói gì? Bạn cho rằng người Việt Nam không có cái gọi là nhạc thính phòng hả? Lầm rồi bạn ơi! Có chứ. Bạn hỏi nhạc thính phòng của Việt Nam là cái gì à? Ôi, ông bạn hiền của tôi. Bây giờ đã quá khuya rồi, nếu mình cứ theo đuổi chuyện này, thì chắc là phải kéo dài đến sáng. Thôi, hẹn lần sau vậy nhé.
Ngọa Đàm
 vietnet.com.au