Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Cứ đến Tết là tôi muốn bỏ nhà đi

Bài đăng trên trang BBC việt ngữ, nguồn:
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/indepth/story/2009/02/090223_duthihoan_memories.shtml


Bờ sông Tam bạc xưa, - ngôi nhà chính giữa ảnh chính là mặt sau ngôi nhà của tác giả bài viết - Bà Vương Oanh Nhi ( nhà thơ Dư Thị Hoàn ) trước 1979 ngôi nhà mang số 66 phố Ba-ty tức phố Lý thường Kiệt, măt trước nhà là ngã ba , nhìn thẳng ra phố Kỳ Đồng...

Cứ đến Tết là tôi muốn bỏ nhà đi…lang thang, đến một nơi nào đó thật xa, không ai hỏi han mình, thuê một quán trọ hoặc nhà của một thổ dân nào đó… mua mỳ ăn liền, bánh quy mặn và phomai, dự phòng cho mấy ngày Tết không có tiệm ăn nào mở cửa, đêm giao thừa chỉ cần một tách café, thật nóng.
Trong làng văn chương nhiều người biết nhà thơ Trịnh Hoài Giang - ông xã tôi, là người hiểu biết và chiều chuộng vợ con (tuy phải chịu nhiều thiệt thòi ở cơ quan công sở, chỉ vì lấy vợ là Hoa kiều).
Hai cậu con trai tôi đều đã trưởng thành, không ăn bám. Cậu thứ hai Tuệ Giang sau khi tốt nghiêp, được giữ lại làm giảng viên trường đại học kinh tế quốc dân Hà Nội. Cậu đã dạy bảy năm ở trường và được thỉnh giảng ở các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, Nha Trang… Cậu vốn là đứa ít nói, còn lập thuyết về cái tật ngôn bất xuất khẩu của mình: “Người ta tập một năm để biết nói, nhưng lại tập sáu mươi năm để biết im lặng đấy mẹ ạ!”. Thế mà lại rơi vào đúng cái nghề nói nhiều, không biết lúc đứng trên bục giảng cậu ta lảm nhảm ra làm sao, chịu!
Vi Thùy Linh, nhà thơ, bảo: “U Hoàn không biết chứ, anh ấy là mì chính cánh của trường đấy!”. Hiện nay cậu nhận được học bổng, xong chương trình thạc sĩ, tiếp tục bảo vệ luận án tiến sĩ ở Úc. Năm ngoái có đón bố mẹ sang Úc chơi ba tháng. Cậu đã có vợ là một cô gái người Indonesia gốc Hoa theo đạo thiên chúa, đang công tác tại ngân hàng Nam Úc.
Cậu cả của tôi Thy Giang, làm đại diện cho một hãng dầu nhờn Mỹ, biệt phái sang văn phòng đại diện của hãng ở Oman đựơc mấy tháng là xẩy ra chiến sự ở Iraq. Cậu trở về dồn toàn bộ đồng lương kiếm được từ tay đế quốc tư bản, về mở quán café Giang guitar ở Hải Phòng. Cậu học guitar từ lúc 8 tuổi, và nay đã gần 40 tuổi mới có cơ hội thực hiện ước mơ “một mình với guitar” theo đúng nghĩa là vô giá. Cậu có khả năng mua nhà riêng và lo được cuộc sống tươm tất cho một gia đình.
Tôi có một gia đình êm ấm, hạnh phúc, như thế đấy... Giá như không có cuộc chiến 1979, giá như không xảy ra biến cố người Hoa.

Biến cố người Hoa
Đã ba mươi năm trôi qua, vẫn còn tươi rói những hình ảnh: Tết thanh minh năm nọ, không ngờ lại là bữa tiệc cuối của sum họp đại gia đình, hình ảnh má và các em các cháu tôi chen lấn trong dòng người lũ lụt ra ga, leo lên tàu hỏa.
Thê thảm nhất là đàn bà con trẻ, họ lếch thếch, hỗn loạn, và yếu ớt, họ giao phó nỗi hốt hoảng cho bất kỳ ai có mặt hôm đó, giao phó cho đoàn tàu chở họ tới một đất nước được gọi là tổ quốc trong muôn vàn bất trắc và mong manh? Họ trở về quê hương và không hiểu tại sao, vì lẽ gì?
Chị chồng tôi ra tận nhà ga ôm lấy ba mẹ con tôi đang gào khóc nhìn đoàn tàu mất hút trong đêm tối. Đúng vào thời điểm đó, chồng tôi thay mặt ban thường vụ Hội Văn nghệ Hải Phòng cùng với hội phó Văn Tiến, đi dự lễ thành lập Hội văn nghệ thành phố Đà Nẵng.
Ít lâu sau nghe tin đại gia đình tôi được phân nhà có đủ nồi niêu bát đũa chăn màn ở một nông trường Hải Yến, Đài Sơn, Quảng Đông. Người lớn đều đi trồng mía và đủ ăn.
Một năm sau, tôi mới nhận được lá thư của má từ trại tị nạn Hong Kong gửi về. Khóc rằng hai cậu em trai tôi đã mất tích, bỏ lại một mớ vợ góa con côi, ở nông trường không sống nổi. Má tôi dắt díu cả nhà 11 mạng nhược tiểu xuống thuyền chài bến cảng Bắc Hải, bán hết vàng để đánh cược trong cuộc chạy loạn lần thứ hai.
Từ đó tôi mất liên lạc với gia đình, nghe đồn rằng họ đã được chấp nhận sang định cư ở nước Mỹ.
Qua thư tôi biết thêm chi tiết hai cậu em trai ở Trung Quốc năm đó (đầu năm 1979) bị lãnh đạo nông trường gọi lên để giao nhiệm vụ, làm phiên dịch cho quân đội chuẩn bị tham chiến đánh Việt Nam.
Ngay đêm đó hai cậu khăn gói trốn khỏi nông trường. Nghe nói họ vượt biên sang Hong Kong rồi bị bắt, lại nghe nói họ bị dân quân bắn chết khi ẩn náu ở trong rừng khu vực Huệ Châu gần Hong Kong. Lại nghe đồn họ bị chết đuối khi bơi qua eo biển sang Hong Kong.

Mất mát
Má tôi đi hết các trại giam theo người mách bảo, nhờ cậy người ta tìm kiếm ở các trại tị nạn cũng không kết quả. Ba cụ đã mất sau hai năm liệt giường bởi tai biến mạch máu não rồi được chôn cất ở ngoại ô New York tháng 6 năm 1998, thọ 72 tuổi.
Nước Mỹ đã quá hạch sách và luôn tỏ ra nghi ngờ một cách khả ố, ngay cả khi chất vấn một người đến xin visa nhập cảnh chỉ với một tia hy vọng báo hiếu và đoàn tụ như tôi. Tại văn phòng đại sứ quán ở Hà Nội, tôi đã khổ sở không dưới bốn lần và nếm đủ mùi cay đắng lép vế trước bộ mặt trịch thượng, sắt đá đại diện cho công quyền America.
Bây giờ hai em dâu tôi đã tái giá và ba đưa nhỏ mồ côi cha đã trưởng thành trong sự săn sóc của quỹ nhà thờ hợp chủng quốc. Hai cậu em tôi thế là mất xác, ba mươi năm bặt tin rồi còn gì!
Cha tôi là giáo viên trường trung học Hoa Kiều ở Hải Phòng, được tặng thưởng nhiều bằng khen giấy khen, 1974, còn một năm nũa là đủ tuổi về hưu thì ông bị công an đến còng tay (không có án). Tôi chỉ biết ông là cựu sĩ quan Quốc Dân Đảng Tàu Tưởng, từng nhiệm chức chánh văn phòng đại diện Quốc Dân Đảng đóng tại Cửa Bắc Hà Nội trước cách mạng tháng Tám.
Sau khi mãn hạn chín năm tập trung cải tạo, ở khắp các trại giam Lao Cai, Lam Sơn, Kiểu, Cẩm Thủy, Bãi Chành… ông đã tìm đường sang Mỹ, hiện đang ở với cô em út Đán Thứ.
Từ đó tôi chưa gặp lại cha, và không biết còn cơ hội nữa không? Nếu người Mỹ vẫn một mực chứng tỏ họ là giống người ưu việt nhất thế giới thông qua thái độ ngạo mạn và trịch thượng trong việc cấp visa!
Thế là từ đó, gia đình tôi tan tác như một bầy chim vỡ tổ, bay loạn xạ. Dòng máu của người thân vẫn tiếp tục tuần hoàn trong trái tim thương tích của tôi. Vết đau buốt nhói ấy lại tái phát vào những buổi chiều cuối, trong bữa cơm đoàn tụ cúng gia tiên.
Tôi đã viết những bài thơ đầu tay trong đớn đáu mất mát đó ( Mười năm tiếng khóc, Bức thư người Hoa, Tổ quốc – trong tập “Lối nhỏ” ) và đã bất đắc dĩ trở thành nhà thơ.
Tôi sợ nỗi buồn lại bành trướng sang con sang cháu mỗi khi tết đến xuân sang, thế là lại ba lô lên đường…


Về tác giả:Nhà thơ Dư Thị Hoàn, tên thật là Vương Oanh Nhi hiện là nhà văn người Hoa duy nhất trong Hội nhà văn Việt Nam (kết nạp năm 1996). Bà viết bài tùy bút này sau khi theo dõi phỏng vấn của BBC với ông Phùng Thái Bình, người Hoa rời Hải Phòng năm 1979 và cũng là bạn học cũ của bà.

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

Những Phác thảo của Ký ức

Tác giả - Tác Phẩm

Kịch bản chương trình truyền hình : "Nhạc sĩ Giang Guitar"

Đài truyền hình Hải phòng thực hiện cùng Đoàn Ca Múa Hải phòng phát sóng 20h40 ngày 16/09/2012


Bóng chữ

Bên cạnh những tác phẩm viết về Hải phòng rất mạnh mẽ khoẻ khoắn và hiện đại, có một tác phẩm mang phong cách Bán Cổ-điển ( Semi Classic) thực sự đã chạm vào cảm xúc của người nghe, với tiết tấu chậm rãi, cấu trúc chặt chẽ, Ca khúc “Những phác thảo của ký ức” nguyên bản là một phần (Chương 2 – Andante) của tác phẩm khí nhạc mà nhạc sĩ Thy Giang viết cho tứ tấu dàn dây, đây là ca khúc có chủ đề âm nhạc được viết trước khi sáng tác ca từ, Tuy nhiên nếu tách riêng phần âm nhạc thì bản thân ca từ lại là một bài thơ hoàn chỉnh, với sự hoài niệm của tâm hồn và vẻ lung linh của ngôn ngữ văn học.
Là một nhạc sĩ yêu thích văn chương, cách sử dụng con chữ của tác giả vô hình đã mang rất nhiều cảm tính giai điệu, cộng với những rung động của một người sinh ra và lớn lên ở Hải phòng đã mang đến cho khán giả một khúc tự tình thơ-nhạc, một phác thảo về hải phòng xưa, tưởng chừng đã tan biến theo thời gian..

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến các bạn tác phẩm, tác giả, và những nét chấm phá về các nghệ sĩ thực hiện ca khúc này

Tiếng vĩ cầm da diết

Violinist Chu Tâm Huy, rong chơi với đam mê của một nghệ sĩ biểu diễn.
Khán giả đặc biệt ấn tượng với sự xuât hiện của Anh, trong một tiết mục có đoạn introduction được bài trí tối giản, ở đó âm nhạc đã vang lên mênh mang, trọn vẹn mà không cần phấp phới múa phụ hoạ, không ồn ào chiêng trống, chỉ có tiếng piano thánh thót và âm thanh mộc, thiết tha của giọng vĩ cầm. ở đó ca sĩ được chìm đắm trong không gian âm nhạc thuần khiết , với luyến láy, với ngân nghỉ, với lung linh thêu lướt của một ngón đàn tài hoa.

Sự đồng điệu của tâm hồn 

Ở tác phẩm này, NSUT Quang Huy đã rất thành công trong vai trò của một Choreographer ( Biên đạo). qua bàn tay anh, Không gian sân khấu đã mở hơn và tương tác mạnh với câu chuyện kể bằng âm nhạc. cây cột đèn cô độc, một chiếc ghế đá lạnh lẽo lúc nửa đêm, cô tiểu thư trong ô cửa sổ màu trắng…đã tái hiện thành phố Hải phòng mang trong mình dòng chảy hợp lưu của văn hoá Á đông và Tây phương, Những hiệu ứng hình ảnh ( Vissual effects  ) đã tái hiện những lát cắt của quá khứ qua những tư liệu đen trắng , tái hiện ký ức của Hải phòng qua những rêu phong. Để rồi làm nền cho một câu chuyện tình yêu, mà nhân vật chính là hai ca sĩ, gợi cho người ta liên tưởng đến những tiêu thuyết La Dame aux camélias ( Trà hoa nữ) và L’ Amant ( Người tình ) và “những phác thảo về ký ức” đã thực sự lay động người xem, người nghe

Vĩ thanh 

Rất nhiều nhà chuyên môn nhận xét, Đây là một tác phẩm khó về kỹ thuật thanh nhạc, tuy nhiên, NSUT Khánh Hoà lại đang ở độ chín của nghề, - Giọng hát mượt và truyền cảm của chị đã làm chủ sân khấu bằng phong cách trình diễn tự sự, lắng đọng . Phan Tuân là nam ca sĩ trẻ có nhiều triển vọng, Anh đã thể hiện một nhạc cảm rất tốt khi trình diễn một ca khúc nhiều điệu tính, nhiều quãng bè song ca đòi hỏi khả năng thẩm âm tinh tế, chuẩn xác về cao độ, Bên cạnh đó , diễn xuất sân khấu của đôi song ca này cũng hứa hẹn nhiều thành công trong tương lai.


Hoà âm

Nhạc sĩ Huyền Trung luôn nhuần nhuyễn với những kỹ năng, thủ pháp âm nhạc, Anh chính là hình mẫu của một nhạc sĩ hiện đại, đa năng ở các mảng sáng tác, hoà âm, biểu diễn,
Tác phẩm “ Những phác thảo của ký ức “ rất thơ về ca từ nhưng lại phức tạp về tư duy âm nhạc. thủ pháp hoà âm logic của Anh đã giải quyết rất mượt mà yếu tố này, mà vẫn giữ nguyên mạch cảm xúc của tác giả. Ngón Piano đầy sáng tạo của Huyền Trung đã mở ra một không gian lãng mạn và sang trọng, để ca từ có thể bay lên.


Những phác thảo của Ký ức – ( Giang Guitar )


Từ nơi rất xa, mây trắng cuối ngày ngẩn ngơ
Từ nơi rất xa, sáo diều vương vấn quê nhà

Ký ức, là những cánh buồm nâu phiêu dạt phố phường
Ký ức , là những mùa hoa chói chang chầm chậm rơi

Đôi khi, là một đêm muốn đi thật xa
Để cố quên những nỗi buồn nhỏ bé
Đôi khi, là nửa đêm bỗng quay trở về
Nhìn dòng sông xưa, mang nặng phù sa vui buồn đời Ta

Dẫu lỗi lầm vẫn đang ngủ yên
Hải phòng của tôi, vẹn nguyên ước muốn trở về

Từ nơi rất xa, mây trắng biết mình phù du
Từ nơi rất xa, cánh cò thấp thoáng quê nhà

Ký ức, nằm nghiêng bóng cầu treo, Tam Bạc đôi dòng
Ký ức , lầm lũi chuyến đò ngang, đón đưa bụi thời gian

Xa xôi, chuyện trầu cau có Em và Tôi
Để thấy Ta với cuộc đời lặng lẽ
Xa xôi, ngày tôi mang chiếc hôn đầu tiên
Tặng người Tôi yêu, dọc cả triền sông, dọc cả mùa đông

Những con đường vẫn đang chờ nhau
Hải phòng của tôi, vẹn nguyên một mối tình đầu


Bé Nhi

Cô bé Hải Phòng  11 tuổi  đoạt giải Concour Âm nhạc quốc tế 2011





Đã 11 tuổi, nhưng Trịnh Đan Nhi, học sinh lớp 6 trường THCS Lê Hồng Phong quận Ngô Quyền Hải Phòng  trông nhỏ hơn các bạn cùng trang lứa.  Nhưng điều đáng chú ý ở Đan Nhi không phải ở dáng vóc nhỏ bé mà là vẻ thông minh lanh lợi. Đặc biệt, với tư cách học sinh năm thứ hai khoa Violon Học viện âm nhạc quốc gia, Trịnh Đan Nhi  là người Hải Phòng đầu tiên đoạt  giải Nhì cuộc thi: “The 4th ASEAN International Concerto Competition 2011” tổ chức (từ ngày 23 -7- 30 – 7)  tại Jakarta, thủ đô của Indonexia.      


 Thí sinh nhỏ tuổi nhất ...

 Bố của Trịnh Đan Nhi, nghệ sĩ ghi ta Trịnh Thy Giang “tháp tùng” con gái đi thi vừa trở về cho biết:  “The 4th ASEAN International Concerto Competition 2011” là cuộc thi Concour âm nhạc quốc tế lớn nhất được tổ chức trong khu vực ASEAN với sự tham gia của các thí sinh đến từ các nước và vùng lãnh thổ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Canađa, Ôtxtrâylia, Hàn Quốc, Hà Lan, Đan Mạch, Secbia, Hồng Kông, Đài Loan và các nước trong khu vực ASEAN như Malaixia, Inđônêxia, Việt Nam... Tính chất khách quan của cuộc thi còn ở chỗ Ban giám khảo cuộc thi rất uy tín gồm nhiều Giáo sư, Tiến sĩ âm nhạc nổi tiếng đến từ Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hà Lan, Nga, Séc-bi… Và nhiều thí sinh cùng “ so tài” ở một bản nhạc. Nhạc trưởng Andrew Massey (Mỹ ) đảm nhận vị trí chỉ huy dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Inđônêxi  đệm cho các thí sinh đêm chung kết ( tại Jakarta - Inđônêxia).. Đoàn Việt Nam cử 4 thí sinh đều là quân của Học viện âm nhạc quốc gia tham dự cả 3 bảng của bộ môn Violon, trong đó Đan Nhi 11 tuổi, nhỏ nhất đoàn. ở bảng A, có 17 thí sinh nhiều nước dự thi. Sau 2 vòng thi  xuất sắc, Trịnh Đan Nhi  lọt vào đêm Final Stage với tác phẩm Công-xéc-tô Violin Concerto in D minor của nhà soạn nhạc thiên tài người Đức Johann Sebastian Bach.Tác phẩm này là bài thi cho tất cả các thí sinh và được đưa cho các em trước ngày thi khoảng 1 năm. Không may cho Đan Nhi  2 tháng trước ngày thi, mới biết Ban tổ chức gửi nhầm bản nhạc. Vậy là các thầy giáo phải lấy lại tác phẩm và gấp rút cho Nhi tập.. Lúc Đan Nhi biểu diễn Công-xéc-tô Violin Concerto in D minor, anh hồi hộp. Nhưng tự lúc nào anh cũng bị  con gái lôi cuốn vào bản nhạc dài gần 10 phút với lối biểu đạt rất tự tin. Khi thấy 4 em đều lọt vào đêm chung khảo ( vòng thi Final Stage sau 3 vòng thi loại ),  Đan Nhi  đoạt giải Nhì bảng A (bảng dưới 13 tuổi) và cháu Trần Thị Hải đoạt giải Ba bảng B (bảng 13 đến 17 tuổi), cả đoàn đều rất vui mừng 

 

 

Với giám khảo Panta Velickovic (Nam tư) và Thày Giáo Bùi Công Duy 



Trịnh Đan Nhi sinh ngày 18-10-2000 trong một gia đình nghệ thuật ( Ông bà nội là nhà văn, Bố là nhạc sĩ, mẹ là Nghệ sĩ múa, anh trai là sinh viên khoa Guitar Jazz - Học viện âm nhạc quốc gia). Nếu nói tài năng cộng lại của năng khiếu, gia đình và môi trường  thì Đan Nhi may mắn có cả ba yếu tố đó..Em nói:  “ Ba cháu chơi ghi ta.. Nhưng cháu chỉ thích violon vì lúc đi xem hòa nhạc cùng ba, cùng thầy cô giáo hoặc xem qua băng đĩa, cháu thấy cây đàn violon rất duyên dáng.. Nên khi được ba mua cho đàn và đưa đi học ở Hà Nội, cháu rất thích”. Bố em sớm định hướng cho các con về vẻ đẹp của  âm nhạc và tìm kiếm môi trường tốt nhất để cho con phát triển năng khiếu. Thời gian đầu, anh mua cho con cây đàn Trung Quốc và đưa con lên học ở  một số người quen như cô Thảo, thầy Trần Mạnh Hùng. Đan Nhi học violon trôi chảy, kiểu như “nước đổ đến đâu, thấm đến đấy” khiến anh lại phải tìm đến nghệ nhân Lê Đình Viên đặt hẳn  cây đàn mới cho con học. Chừng nửa năm, theo gợi ý của cô Thảo, thầy Hùng, anh quyết định cho Đan Nhi đi thi và em  đỗ điểm cao vào Học viện Âm nhạc quốc gia. ở đây,  Đan Nhi và các bạn được học trong các điều kiện tốt nhất, trong đó có phòng hòa nhạc tại chỗ để các em thực hành, bộc lộ tài năng. Riêng Đan Nhi từ ngày đầu tiên vào Học viện, em đã may mắn được thày giáo, nghệ sĩ nổi tiếng Bùi Công Duy trực tiếp kèm cặp với phương pháp đào tạo “ vừa dạy vừa dỗ”, kiên trì  truyền nghề và luôn tìm kiếm các cơ hội để em bộc lộ năng khiếu cũng như gợi mở niềm say mê, hứng thú với cây đàn violon trong Đan Nhi. Không chỉ bằng kinh nghiệm, thầy Duy còn dạy Đan Nhi bằng cái tâm trong sáng, không mảy may nghĩ đến sự đền đáp của gia đình học sinh.Thời điểm Đan Nhi phải gấp rút tập bài thi, vợ chồng thầy cô Bùi Công Duy- Trinh Hương dành hẳn tầng 2 nhà mình cho Nhi tập. Nhi đã luyện tập, thì cô Trinh Hương cũng đệm piano cho Nhi.Thầy Duy còn đưa Nhi đi nghe hòa nhạc để em có thêm điều kiện hoàn thiện bài thi. Môi trường học tập tốt cùng nhân cách người thầy vừa có tài vừa có tâm như nghệ sĩ Bùi Công Duy cùng nhiều thầy cô trong Học viện khiến gia đình anh rất cảm động. Đan Nhi cũng thấy thoải mái, tự tin học tập. Em luôn được xếp hạng xuất sắc với  8 lần liên tục đạt điểm 10 chuyên ngành trong tất cả các học phần của 2 năm.Ngoài ra em còn đạt học bổng hạng Nhất của Học viện và liên tục được chọn biểu diễn trong các buổi hoà nhạc của học sinh xuất sắc.

Với giám khảo Andrew Massey (USA) - kiêm nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Indonesia trong đêm chung kết 


 Nghỉ hè muộn để sớm đạt ước mơ
Hành trình đến với cây vĩ cầm của  Đan Nhi khổ luyện, nhưng rất lãng mạn bởi những chuyến “ nhảy tàu từ đất Cảng lên Hà Nội” có bố đi kèm. Bố em nói:  5 ngày trong tuần  Đan Nhi phải hoàn thành tất cả bài vở liên quan đến việc học văn hóa ở trường, để chiều thứ 6 hai bố con mua vé đi tàu hỏa lên Học viện học đàn. Có những ngày gặp trời mưa, hai bố con đều ướt. Nhưng áo mưa thì nhất định để dành “ mặc” cho cây vĩ cầm khô ráo. Bé nhỏ, mảnh mai nhưng Đan Nhi  đủ sức chịu dựng để luyện tập violon từ 5- 6 tiếng trong một ngày. Đầu tháng 8 này, Đan Nhi mới bắt đầu những ngày nghỉ hè đầu tiên. Tuy muộn hơn các bạn, nhưng những tháng hè trước đó em đang trong cuộc chinh phục đỉnh cao âm nhạc trên một sân khấu lớn, được so tài cùng các bạn quốc tế và  đã sớm đạt được ước mơ của mình. Chặng đường đồng hành với cây đàn Violon của Đan Nhi còn rất dài với 9 năm trung cấp, 4 năm đại học. Sẽ còn rất nhiều kỳ nghỉ hè muộn nữa với em. Nhưng ở tuổi 11 này, Đan Nhi xứng đáng là niềm  tự hào của người Hải Phòng và thiếu nhi đất Cảng. Ước sao tiếng vĩ cầm của Trịnh Đan Nhi vang lên tại Nhà hát thành phố để mọi người được thưởng thức  tài năng của một cây đàn tuổi thơ mà Đan Nhi  vừa mang về cho quê hương bằng giải thưởng danh giá ./.  


 

Ngọc Anh


Tại buổi lễ nhận Học bổng TOYOTA tại Học Viện âm nhạc Quốc gia


Với diễn viên điện ảnh Ngô Thanh Vân


Với ca sĩ Mỹ Tâm

Với Hoa Hậu Dương Thuỳ Linh và M.C. Phan Anh


Với nghệ sĩ Cù Trọng Xoay và nghệ sĩ Xuân Bắc

Giang Guitar

Chân dung nghệ sĩ



Phim tài liệu Giang Guitar
(Giải Bạc Liên hoan phim Truyền hình Toàn quốc 2005)


Tôi là một kẻ lơ mơ, làm cái gì cũng lơ mơ.
Ngày nhỏ tôi học không giỏi, Khi tôi trưởng thành, bước vào chơi nhạc song song với làm kinh doanh, thất bại nhiều hơn thành công, kiếm được bao nhiêu tiền thì cuối cùng cũng trắng tay, chỉ còn lại mười mấy cây đàn mình mua vì quá yêu nó.

Đúng ra, tôi là một người chơi Guitar - nói theo kiểu những người bạn ngoại quốc của tôi là "Guitar man". giống như những nghệ sĩ Guitar khác, tôi đã chọn cho mình một nghề, một nghiệp. Nhưng tôi khác các đồng nghiệp của mình ở chỗ là tôi bị cây đàn ấy quyến rũ nhiều hơn, ám ảnh nhiều hơn. Tôi mơ về Guitar mọi lúc , mọi nơi - ngay cả khi tôi không ngủ. mơ về một không gian sang trọng và thuần khiết, đầy ắp ngôn ngữ nghệ thuật, một Dreams Theatre ( Nhà hát của những Giấc mơ ) và ở đó tôi được chơi đàn

Có lẽ cái tạng tôi sinh ra chỉ để làm nghệ thuật. Bởi vì tôi luôn mong muốn được hết minh cho những cuộc chơi ấy. Hàng đêm, tôi luôn thấy hình ảnh của cây đàn Guitar đẹp lộng lẫy trong những giấc ngủ của tôi. Với tôi Guitar là tình yêu, là nơi tôi chia sẻ nỗi buồn, và có khi nó là cái Mệnh. dù rằng tôi đến với cây đàn Guitar rất ngẫu nhiên. Từ một cây đàn cũ Bố mua cho năm lên 9 tuổi. Không trường lớp, không có định hướng, cũng chẳng có ai nâng đỡ tôi trong con đường âm nhạc. Tôi tự dò dẫm đi, tự tìm cho mình một phong cách, một chỗ đứng, một con đường...

Rất may cho tôi, người ta không chê hoặc khen tôi nhiều về chuyên môn, có thể vì những lý do tế nhị, cũng có thể vì cái "gu" của tôi không hợp với những cuộc so tài, thi thố. Nhưng họ đều nói tôi là một người rất yêu Guitar, và được Guitar yêu lại. Điều đó làm tôi cảm thấy đủ, cảm thấy hạnh phúc.

Với tôi, hạnh phúc đơn giản là được sống đàng hoàng với cái nghề mà mình yêu thích. Là được chăm chút những cây đàn của riêng tôi. Thêm nữa là một ngôi nhà có rất nhiều trẻ con, và khi những đứa trẻ khóc thì tôi sẽ dỗ chúng bằng cách chơi đàn..

Trong quá khứ, đã nhiều lần tôi phải chọn lựa giữa âm nhạc và những nghành nghề khác, có thể đó cũng là những cơ hội tốt cho một đời người. Nhưng Guitar cuốn hút tôi như một ma lực, như một tri âm. Tình yêu đó tôi đã chấp nhận đổi bằng nhiều thứ khác, và giờ đây tôi không ân hận gì cả.

Thấm thoắt, đã hai chục năm chơi nhạc ở môi trường nhà nghề, bao nhiêu chuyến đi nay đây mai đó với những đam mê và đôi khi mỏi mệt. Tôi quyết định mở một quán Cafe nhạc bởi vì tôi muốn có một sân chơi nghệ thuật nghiêm túc, không có những thẩm mỹ thị trường. Ở đó tôi có rất nhiều người bạn tốt, họ là những nghệ sĩ , nhạc sĩ giỏi, mang những phong cách âm nhạc khác nhau đến chơi chung với Giang Guitar
Các bạn sinh viên thường hay đến quán Giang Guitar nghe nhạc, bởi vì theo như họ nói, nó có một cái gì đấy rất riêng , rất gợi. không giống bất kỳ một quán âm nhạc nào ở Hải phòng. Trong một không khí nhạc rất thật và mộc, họ tìm thấy hơi thở và hình ảnh của John Lennon, Của Trịnh Công Sơn, Eric Clapton v.v...

Các Guitarist trẻ thường hay hỏi tôi về thần tượng, về tuổi thơ, về những ước mơ của tôi thủa thiếu thời. Tôi đối thoại với họ và thấy họ chính là Tôi cái ngày xa xôi ấy. Một cậu bé gày gò, cận thị ngồi tập đàn 7-8 tiếng một ngày trong căn gác cũ nát bên dòng sông Tam Bạc. căn gác mà tôi có thể thò tay rút ra từ bức tường từng viên gạch cũ. Nhưng với tôi đó là Thiên đường, ở đó tôi có thể nhìn thấy những cánh buồm lững thững trôi ngay dưới cửa sổ nhà mình, ở đó đêm nào cũng mất điện, Thành phố đang ngủ yên sau chiến tranh, vô cùng yên tĩnh. và nhờ vậy tôi mới hiểu được vẻ đẹp tinh khiết của tiếng đàn Guitar , Tôi mới biết cây đàn cũ kỹ tưởng như vô tri giác ấy cũng có tâm hồn.

Ngày đó, tôi luôn ước mong sẽ có một ngày, được ngồi tập giữa vô số cây đàn đẹp, được để tóc dài, được bước lên ánh đèn sân khấu hàng đêm trước mặt mọi người, chơi những sáng tác của tôi. và cuối cùng, với tôi Ông Trời đã không đánh thuế những giấc mơ..

Bây giờ , ngoài biểu diễn, tôi thường dành thời gian cho việc dịch và viết những bài nghiên cứu phê bình âm nhạc cho các tạp chí chuyên nghành trong nước. cho Hội nhạc sĩ Hải phòng- nơi tôi đang là một thành viên. Và thi thoảng buồn tôi viết ca khúc. Qua âm nhạc tôi có thêm rất nhiều người bạn mới, họ đến từ nhiều nước trên thế giới và có khi ngồi nói chuyện âm nhạc với tôi suốt đêm. Ở đây, mọi người đều bình đẳng, dù cho bạn là ai, làm nghề gì, đến từ nước nào, với chúng tôi điều đó không quan trọng. cái chính là ở giữa chúng tôi có một nhịp cầu.

Cái nghề của tôi luôn đối diện với số đông công chúng, đôi khi cái sự mải miết của mình cũng gặp những điều bất nhã, đó là những hành xử muôn màu muôn vẻ của người đời. Nhưng tôi luôn biêt cách tìm cho mình trong nỗi buồn nhỏ cũng còn có những niềm vui, để mà lặng lẽ bước qua , để mà đi tiếp.

Tôi thường nói đùa với bạn bè, với tôi mỗi cây Guitar là một người yêu, và tôi rất sợ khi " từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ.."* Tôi sưu tập đàn không để ý đến chuyện đắt rẻ, giống như người ta lấy vợ mà bỏ ngoài tai những lời bình phẩm khen chê. Trong nhà tôi mỗi cây đàn đều là một người đàn bà đẹp, đều rất dịu dàng..

Tuổi thơ tôi lớn lên bên dòng sông Tam Bạc với khu phố Tàu mốc meo và lam lũ. Mùa đông năm 1979, nơi ngã ba con sông ấy, tôi nđã ngồi nhìn không biết bao nhiêu đoàn người từ bỏ mảnh đất này ra đi. Họ dong buồm ra phía biển, phía những miền đất hứa, có cả những người rất thân yêu của tôi trong đó, vậy mà không hiểu sao tôi lại không thể bước xuống thuyền. 25 năm đã trôi qua, những cây cầu treo bé nhỏ ngày ấy không còn nữa, những cánh buồm cũng thôi không vào trong phố nữa. vậy mà dòng sông trong lòng tôi vẫn không ngừng chảy. Như dòng Tam Bạc kia vẫn hiền hoà , bao dung như đang ôm lấy tôi, ôm lấy cả thành phố này
Nhiều người hỏi tôi sao anh không vào Saigon để hoạt động nghệ thuật? có nhiều cơ hội hơn, môi trường tốt hơn, dễ dàng kiếm tiền hơn v.v.. Nhưng họ đâu biết tôi đã từ chối cả cơ hội đi Mỹ sống. bởi vì tôi yêu thành phố này. Dù rằng tôi chỉ mang trong người một nửa dòng máu Việt nam. Nhưng tôi sinh ra ở đây, bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ của tôi ở đây. Tôi đã phải kiếm tiền ở nước ngoài một thời gian dài, và tôi hiểu thế nào là nỗi nhớ nhà. Trong tôi - Hải phòng , dù xấu dù đẹp cũng là Quê hương
..